Lễ hội Sumo là một trong những điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Nhật Bản tại Tokyo, không đơn thuần chỉ là một môn võ truyền thống mà sumo còn là một niềm tự hào của nền thể thao Nhật Bản với hình ảnh các võ sĩ tầm vóc khổng lồ.

Nguồn gốc lễ hội Sumo

Sumo có nguồn gốc là một nghi lễ tôn giáo, đi kèm những điệu múa linh thiêng dâng lên các vị thần đạo Shinto để tiên đoán, cũng như cầu mong cho mùa màng bội thu. Thời Nara (710 – 794), Sumo được giới thiệu đến tầng lớp vua chúa ở Nhật và hàng năm có một giải đấu bắt đầu được tổ chức, từ đó các quy luật và kỹ thuật thi đấu cũng hình thành.

Đến khoảng năm 1192, chiến tranh nổ ra và Sumo được đưa vào huấn luyện trong quân đội. Sau khi tướng Tokugawa thống nhất Nhật Bản và bắt đầu thời kỳ Edo (1603 – 1868) thịnh vượng, các nhóm võ sĩ Sumo chuyên nghiệp hình thành. Hiệp hội Sumo Nhật Bản ngày nay chính là bắt nguồn từ những nhóm võ sĩ Sumo thời kỳ Edo. Sumo bắt đầu được diễn trong các lễ hội tại các ngôi đền. Mãi đến giai đoạn cuối của thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912) thì Sumo mới lần đầu tiên được gọi là một môn thể thao dân tộc. Mặc dù còn rất nhiều nghi lễ mang đậm tính tôn giáo đi kèm nhưng môn võ này vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Nhật Bản là đất nước duy nhất mà Sumo được tổ chức tập luyện, biểu diễn và thi đấu một cách chuyên nghiệp.

Cách chọn đấu sĩ Sumo

Để có được những võ sĩ Sumo với sức mạnh phi thường tham gia vào lễ hội là cả một quá trình gian nan, khổ luyện. Bắt đầu từ giữa tháng 7, các Sumo đã bắt đầu tham gia các buổi luyện tập để kịp thời tham gia các giải thi đấu được tổ chức vào cuối năm.

Mỗi đô vật thông thường phải dành ra ít nhất 3 tiếng để luyện tập các thế vật cho thành thạo vì muốn đứng được trong xới vật bắt buộc họ phải đánh bại tất cả các đồng môn của mình. Những bữa ăn hàng ngày của các đô vật sẽ bao gồm những món đặc biệt dành riêng cho họ: súp nấu kiểu lẩu Chanko nabe, chân giò heo, cá mòi chiên giòn, cơm, rau… giúp hấp thu một lượng calo khổng lồ lên đến 8.000 calo trong 1 ngày. Không chỉ vậy, trong quá trình ngủ để lấy sức sau mỗi bữa ăn, các Sumo phải đeo mặt nạ dưỡng khí để có thể duy trì trọng lượng cơ thể một cách tốt nhất.

Lễ hội Sumo

Mỗi năm có 6 giải đấu Sumo, 3 giải tổ chức ở Tokyo, 1 giải ở Osaka, 1 giải ở Nagoya và 1 ở Fukuoka. Mỗi giải bắt đầu vào ngày chủ nhật và kéo dài 15 ngày. Trận đấu Sumo diễn ra trên sàn đấu bằng đất sét với lớp cát rải lên trên. Nét đặc sắc của Sumo chính là các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, đầy màu sắc mà không môn thể thao nào khác có. Một trong số đó là nghi lễ Dohyo-iri, thực hiện 4 lần trong mỗi ngày thi đấu, 2 lần cho đẳng cấp Juryo và 2 cho đẳng cấp Makuuchi. Một nghi lễ khác được thực hiện cuối ngày thi đấu sau trận cuối cùng.

Một Makuuchi được chọn sẽ lên sàn đấu nhận chiếc cung từ trọng tài và thực hiện điệu múa với chiếc cung. Nghi lễ này có từ thời Edo và để biểu trưng cho hành động mừng chiến thắng của các võ sĩ Sumo. Sumo là môn võ thể hiện sự cứng rắn và dũng khí của con người Nhật Bản. Từ một nghi lễ của Thần Đạo được biểu diễn trong cung đình, Sumo đã phát triển trở thành một môn thể thao dân tộc và vẫn được duy trì đến tận ngày nay.
Nếu bạn đang có chuyến du lịch khám phá Nhật Bản thì đừng bỏ qua cơ hội tham dự lễ hội Sumo cũng như tìm hiểu thêm một nét văn hóa truyền thống đặc biệt của người dân Nhật Bản. Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ!

Nguồn: TỔNG HỢP

Du lịch Nhật Bản

Học tiếng Nhật