Lễ hội cá Koi, tên đầy đủ là lễ hội Koinobori Matsuri. Đây là một lễ hội dành cho bé trai rất độc đáo và đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản mà bất cứ ai cũng nên tìm hiểu.
Nguồn gốc của lễ hội Koinobori Matsuri
Lễ hội Koinobori đã được người Nhật tổ chức cách đây hàng ngàn năm và được sử sách ghi lại là có từ thời Edo (1603 – 1868). Lễ hội này sở dĩ có tên là Koinobori vì trong lễ hội này có một thứ không thể thiếu được chính là cờ cá chép. Theo phiên âm tiếng Nhật, Koi chính là cá chép. Nếu bạn nào chơi cá cảnh sẽ biết cá Koi còn có tên gọi khác là cá chép Nhật. Vì thế, cái tên Koinobori chắc các bạn cũng đoán ra được rồi phải không, đây là phiên âm tiếng Nhật của cờ cá chép.
Nguyên nhân người Nhật lấy cá chép làm biểu tượng cho ngày dành cho các bé trai vì một phần ảnh hưởng từ văn hóa của Trung Quốc trong sự tích cá chép vượt ngũ môn hóa rồng. Người Nhật mong muốn những bé trai cũng giống như cá chép, sau khi trưởng thành sẽ thuận lợi vượt ngũ môn để hóa rồng.
Thời gian diễn ra lễ hội dành cho các bé trai ở Nhật Bản
Thời gian diễn ra lễ hội dành cho các bé trai ở Nhật Bản diễn ra vào ngày tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 hàng năm. Mặc dù ngày mùng 5 tháng 5 mới là ngày chính thức của lễ hội Koinobori nhưng ở khắp mọi miền của Nhật Bản đều treo cờ cá chép từ đầu tháng 4 cho đến giữa tháng 5 mới dỡ xuống.
Lúc mới sinh, những người lớn tuổi thường sẽ mua tặng các bé trai một hình cá chép bằng vải Koinobori và búp bê võ sĩ, tượng trưng cho tính nam nhi của những em bé trai. Trong tiếng Nhật “nobori” là tượng trưng cho hình ảnh những con cá bơi ngược từ dưới sông lên thác, “koi” là cá chép.
Trong ngày lễ này, mọi nhà có con trai sẽ treo lên những chiếc đèn lồng cá chép để cầu chúc cho các bé trai sức khỏe, kiên cường và tự lập trong cuộc sống.
Đèn lồng cá chép – linh hồn của lễ hội
Một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh được tạo ra bởi những mẫu cá chép với những màu sắc khác nhau được vẽ trên giấy, vải lụa hoặc trên những nguyên liệu khác nhau tùy thuộc vào người chế tác ra nó. Thông thường lồng đèn sẽ có kích thước từ 1 tấc (hay 10cm) cho đến vài mét. Một dải lồng đèn đầy đủ thường sẽ có năm màu cơ bản, đó là vàng, đỏ, đen, xanh lá và trắng. Sở dĩ như vậy vì người Nhật tin rằng năm màu sắc này sẽ đại diện cho thuyết ngũ hành tạo ra sự hài hòa, phát triển hưng thịnh.
Bên cạnh năm màu sắc cơ bản đại diện cho quan niệm ngũ hành, người Nhật còn có một trường ý nghĩa về từng màu sắc riêng biệt thể hiện cho những đức tính của con người trong mỗi chiếc lồng đèn cá chép khác nhau.
Những món bánh truyền thống trong lễ hội Koinobori
Trong lễ hội Koinobori Matsuri, người Nhật thường làm các món bánh truyền thống như mochi, Obento hay các món bánh có hình dạng cá chép để mời khách. Trong những ngày này, các bé trai thường sẽ mời bạn bè tới nhà chơi để “khoe” về những chiếc đèn lồng và mời bạn bè ăn những món bánh cá chép ngon tuyệt của gia đình mình.
Cùng với lễ hội Hina Matsuri dành cho các bé gái, lễ hội Koinobori thể hiện sự kỳ vọng về thế hệ tương lai mang nhiều ý nghĩa và là một nét văn hóa không thể thiếu trong lòng người Nhật. Nếu bạn muốn cảm nhận hết những nét độc đáo và ý nghĩa của lễ hội này, hãy ghé qua Nhật Bản vào đầu tháng 5 và cảm nhận nhé.
Nguồn: TỔNG HỢP