Hạn chế nói chuyện điện thoại
Người Việt thường có thói quen nói chuyện hoặc gọi điện thoại cho nhau ở mọi lúc, mọi nơi. Đây được xem là một trong những hành động “cấm kỵ” đối với người Nhật Bản. Nếu không tin, bạn có thể 1 lần thử đi tàu điện ngầm và trải nghiệm. Kể từ lúc tàu bắt đầu khởi hành cho đến khi kết thúc chuyến đi, hầu như những người có mặt trên tàu chỉ chăm chú đọc sách, đọc báo, thậm chí tranh thủ ngủ thêm vài phút trước khi đến chỗ làm. Không ai nói với ai câu nào, có hay chăng chỉ là những thông báo qua loa của cán bộ, nhân viên trên tàu.
Khi bất ngờ có tiếng chuông điện thoại trên tàu, bạn sẽ thấy chủ nhân của tiếng chuông đó rất bối rối và họ luôn tắt chuông điện thoại. Cũng có trường hợp người ta bắt máy, nhưng chỉ nói lầm bầm vài câu rồi tắt máy ngay lập tức.
Không hút thuốc
Không được hút thuốc lá ở những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, siêu thị, ga tàu hay khi đang trên tàu điện ngầm… được chính phủ Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt. Thường thì ở những địa điểm này sẽ được treo một tấm biển ghi rõ “cấm hút thuốc”, nếu muốn hút, bạn sẽ được bố trí vào một phòng riêng, chỉ dành cho những người hút thuốc lá. Trong trường hợp vi phạm quy định, bạn có thể sẽ bị phạt tiền.
Khi đang trên tàu điện ngầm, bạn tuyệt đối không nên hút thuốc lá. Bởi vì đây không chỉ là quy định, mà hành động của bạn có thể sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu không muốn bản thân bị người khác nhìn với anh mắt dị nghị hay nộp phạt, tốt nhất bạn không nên hút thuốc khi đang ở trên tàu.
Hạn chế mang theo hành lý cồng kềnh
Khi bạn mới đặt chân đến Nhật và chuẩn bị đến nhà trọ thì bạn nên bỏ ý định mang nguyên đống hành lý lên tàu vì bạn sẽ chiếm nhiều diện tích và đường đi lại của người khác.
Có thể hành lý của bạn sẽ bị dẫm đạp, tệ hơn là bạn có thể sẽ bị lạc mất một số hành lý nhỏ khi mang quá nhiều đồ lên tàu. Bạn hãy lưu ý kỹ cách đi tàu điện của người Nhật để tránh mắc lỗi làm ảnh hưởng đến bạn và những người xung quanh.
Xếp hàng khi lên tàu, ưu tiên cho khách xuống tàu
Khi lên tàu, hành khách sẽ xếp thành 2 hàng, chia ra đứng ở 2 bên trái và phải trước cửa tàu. Khi cửa mở, hãy chờ cho hành khách xuống hết rồi mới bắt đầu lên. Tại Nhật Bản, trong bất kỳ trường hợp nào, thì việc ưu tiên hành khách xuống trước là điều cơ bản. Trong trường hợp tàu đông, mà bạn đứng gần cửa, thì hãy tạm thời xuống tàu nhường cho những người ở phía trong xuống hết, sau đó lên lại nhé. Nếu tàu không đông, mà bạn đang đứng gần cửa thì nên đứng nép vào bên trái hoặc phải, hoặc di chuyển hẳn vào bên trong tàu. Việc di chuyển tuy có ít nhiều phiền phức, nhưng việc cản trở người xuống tàu ở mỗi ga là điều cấm kỵ, nên hãy cố gắng thực hiện nhé.
Khi tàu điện đông đúc thì bạn nên đặt ba lô, túi xách trước ngực thay vì sau lưng. Qua đó hành khách khác có thể lên xuống dễ dàng hơn. Còn trong trường hợp mang hành lý to thì nên cầm thật chắc ở bên mình để không chạy lung tung.
Nguồn: TỔNG HỢP