Nhật Bản được biết đến với tư cách là một quốc gia luôn coi trọng lễ nghĩa. Đặc biệt điều đó được thể hiện trong văn hóa giao tiếp của họ.

Nếu lần đầu tiên bạn giao tiếp với người Nhật, bạn sẽ thấy bất ngờ vì những cử chỉ nghiêm chỉnh và rất tế nhị của họ. Đôi lúc, bạn cũng cảm thấy khó hiểu về những cử chỉ ấy.

Văn hóa giao tiếp của người Nhật trong cúi chào

Cúi chào trong văn hóa của người Nhật là thể hiện lòng kính trọng của mình đối với mọi người.

Theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi. Nam là người trên đối với nữ. Thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên… 

Còn đối với bạn bè mà khoảng cách tuổi tác của họ cách xa. Hoặc họ đang ở những nơi công cộng, trang nghiêm thì sẽ cúi chào.

Nghi thức cúi chào người Nhật gọi là Ojigi. Ojigi có nghĩa là đổ người từ phần eo về phía trước. Trong thực tế có ba kiểu Ojigi sau:

Kiểu Eshaku: Cúi 15 độ, trong xã giao hàng ngày, đối với những người ngang mình.

Kiểu Keirei: Cúi 30 độ, trang trọng hơn, khi lần đầu gặp mặt.

Kiểu Saikeirei: Cúi 45 độ, cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc khi muốn cảm ơn ai đó.

Văn hóa giao tiếp mắt

Trong văn hóa giao tiếp người Nhật, khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.

Người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại. Họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa… Hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên. Tuy nhiên, việc tránh nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện không có nghĩa là phải quay hẳn sang 1 bên hay liên tục đảo ánh mắt.

Sự im lặng trong giao tiếp

Người Nhật họ sử dụng sự im lặng như một cách để giao tiếp và họ tin rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều và họ quan tâm nhiều đến hành động hơn là lời nói.

Trong buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường ít lời nhất. Và những gì anh ta nói ra là quyết định sau cùng. Im lặng cũng là cách không muốn làm mất lòng người khác.

Văn hóa xin lỗi, cảm ơn

Trong các nét đặc trưng về văn hóa giao tiếp của người Nhật, việc cảm ơn và xin lỗi cũng là một trong những điều đáng chú ý. Nếu bạn mới tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản hay lần đầu đến du lịch tại “đất nước mặt trời mọc” này, thì có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi nghe tần suất xin lỗi và cảm ơn trong các đoạn hội thoại của họ.

Cũng chính vì thế, trong tiếng Nhật có rất nhiều cụm từ mang nghĩa xin lỗi để thể hiện các sắc thái khác nhau trong từng trường hợp: xin lỗi vì mắc sai lầm, xin lỗi vì lịch sự, xin lỗi thành khẩn, xin lỗi ngắn gọn trong các mối quan hệ gần gũi…

Ngoài ra, sau những cuộc trò chuyện hay nhận được lời mời từ người Nhật, bạn cũng nên gửi lời cảm ơn đến họ để tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ nhé!

Nguồn: TỔNG HỢP

Du lịch Nhật Bản

Học tiếng Nhật